Những luận điểm chính Truyện_kể_Genji

Tư liệu, công trình nghiên cứu và những tác phẩm nghệ thuật dựa trên cảm hứng từ Truyện kể Genji, trong gian trưng bày của Bảo tàng Genji monogatari tại Uji

Igarashi, một nhà viết sử hiện đại của văn hóa Nhật Bản đã hướng độc giả vào một vài lời nhận định trong Truyện kể Genji, ở một mức độ nào đó những điểm này giống như những tuyên ngôn nhân danh tác giả và từ đó truyền đạt lại chính xác quan điểm của Murasaki Shikibu về bản chất của tiểu thuyết nói chung và nguồn tài liệu làm cơ sở cho chủ đề của tác phẩm[3]. Nói cụ thể hơn, các luận điểm trên xác định ba tọa độ: thể loại của tác phẩm là tiểu thuyết hiện thực, phong cách tác phẩm là wabun (和文, Hòa văn, văn Nhật thuần túy từ thể tài cho đến ngôn ngữ, khác biệt với 漢文, kambun, Hán văn), và đề tài là bạn tình và những người phụ nữ thời Heian.

Thể loại

Tại chương 15 nêu lên đại ý rằng những truyện (monogatari) do chúng tôi ghi chép, tất cả diễn ra trên Trái Đất, bắt đầu từ chính kỷ nguyên của các thần linh. "Biên niên sử Nhật Bản" (Nihongi) đề cập đến một mặt của sự vật, còn trong các "truyện" thì chứa đựng đủ mọi chi tiết. Murasaki Shikibu đặt những lời này vào miệng nhân vật chính của mình, dám thể hiện một tư tưởng hết sức dũng cảm, về bản chất là rất mới so với thời đại mà sử ký đang được tôn vinh và phát triển cực thịnh bấy giờ trong văn xuôi Trung Hoa cũng như Nhật Bản: tư tưởng ấy xác lập thể loại văn học tự sự bên cạnh thể loại trần thuật lịch sử mà đặc tính chung của chúng là đều kể về quá khứ. Tư tưởng đó còn mạo hiểm cho rằng tiểu thuyết đứng trên và cao hơn lịch sử[3]. Có lẽ trước Murasaki chưa ai dám phát biểu rằng, những cuốn biên niên sử nổi tiếng của Nhật Bản như Nihongi (Nhật Bản kỷ, 720) và Kojiki (Cổ sự ký, 712) là thấp hơn tiểu thuyết, mang tính phiến diện vì không truyền đạt lại đầy đủ nội dung của quá khứ.

Phong cách

Chương 32 của tác phẩm kết thúc bằng những lời sau: Thế giới của chúng ta đã bị thu nhỏ lại. Nó về mọi mặt đều phải nhường bước cho cái cổ xưa. Thế kỷ của chúng ta quả là chưa có cái gì sánh được với chữ kana. Những chữ viết cổ dường như là chuẩn và sáng rõ, nhưng toàn bộ thực chất của cõi lòng thì không thể chứa đựng được. Tuyên bố này chỉ ra cho ta biết rằng ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ thuần túy của bộ tộc Yamato thời đại Heian chưa bị Hán hóa một cách nặng nề hoặc mới chỉ tiếp nhận ngôn ngữ Hán ở mức độ tối thiểu. Ngôn ngữ Nhật Bản giữa thế kỷ 10-11 đã đạt đến sự phát triển của mình khác hẳn ngôn ngữ còn lại bây giờ. Thêm vào đó, nó chỉ ra rằng loại ngôn ngữ đã phát triển này là phương tiện biểu đạt tuyệt vời của văn học: trở thành vũ khí và vật liệu tốt nhất cho nền nghệ thuật ngôn từ đích thực[3]. Điều này hiển hiện rõ rệt qua ngôn ngữ sử dụng trong Truyện kể Genji, là kiểu mẫu của ngôn ngữ Nhật Bản hoàn thiện trong thời kỳ cổ điển và bằng bàn tay Murasaki ngôn ngữ đó trở thành phương tiện tuyệt vời để truyền đạt tất cả các trạng thái. Về phương diện này tác phẩm dường như đứng trên đỉnh đèo: trước nó là sự lên dốc và sau nó là sự tụt dốc, wabun trong Truyện kể Genji đạt đến sự phát triển tột đỉnh của mình và sau nó là sự suy thoái của ngôn ngữ thuần Nhật nhường chỗ cho sự ứng dụng ngày càng sâu sắc của chữ Hán.

Chủ đề

Tại chương 25 đề cập đến một vấn đề hoàn toàn khác trong phát ngôn: Đúng! Người phụ nữ sinh ra trên thế gian chỉ để cho bọn đàn ông lừa bịp. Cần phải hiểu nhận định ấy như thế nào? Ở phương diện tác giả là một người phụ nữ; phải chăng người phụ nữ cảm nhận được lẽ công bằng hơn trong lời tuyên bố này; kết quả của sự quan sát xung quanh tác giả với những bối cảnh gần gũi; hay đó là đặc tính cơ bản của thời đại? N.I. Konrad đã suy đoán đúng hơn cả có lẽ là giả thiết sau cùng, tính chính xác và tính lịch sử của nó liên quan đến quan điểm chung của tác giả về chủ đề của tiểu thuyết.

Murasaki Shikibu là một người phụ nữ Heian điển hình nhưng chưa hẳn là đối với bà có thể ứng dụng câu châm ngôn trên một cách đầy đủ: bà đã quá nghiêm túc và sâu sắc để suốt đời chống lại một cách khó khăn việc trở thành một thứ đồ chơi cho đàn ông, và thở phào nhẹ nhõm khi cho người khác nói ra nhận định đó.

Cũng không nghi ngờ gì về hoàn cảnh xung quanh đã trở thành nguyên cớ khiến Murasaki Shikibu đưa ra kết luận trên, trong cuốn tiểu thuyết khắc họa không chỉ môi trường thân thuộc của bà mà còn cả cuộc sống của thời kỳ Heian nói chung, và chọn ra từ sinh hoạt của giới quý tộc các nét tiêu biểu nhất: tình yêu, quan hệ qua lại giữa đàn ông và đàn bà. Đây chính là đề tài tiêu biểu đối với toàn bộ văn học tự sự của giai đoạn tiền-Genji monogatari và sau đó, bắt đầu từ tác phẩm đầu tiên theo tuyến này là Ise Monogatari, mà nhân vật đàn bà cùng người bạn trai hâm mộ nàng luôn hiện diện trong các trang monotagari, và tiếp nối với Kokinshū (Cổ kim tập) phản ánh xuất sắc quan hệ nam-nữ trong những bài tanka mẫu mực mà đề tài tình yêu, trực tiếp hay gián tiếp, chiếm hơn một nửa tổng số các bài thơ của thi tuyển[3]. Rõ ràng, giới quý tộc thời Heian, điển hình cho sự ăn không ngồi rồi đến mức bão hòa đầy nhục dục trong sự thanh bình và phồn vinh của đất nước, thì người phụ nữ tất nhiên đóng vai trò hàng đầu. Mối quan hệ qua lại giữa những người đàn ông và những người đàn bà trở thành trung tâm của toàn bộ cuộc sống sung sướng, an nhàn và phong lưu của thời đại.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Truyện_kể_Genji http://jti.lib.virginia.edu/japanese/genji/ http://www.tokugawa-art-museum.jp/english/index.ht... http://web.archive.org/web/20080314050049/http://w... http://web.archive.org/web/20080314203013/http://s... http://web.archive.org/web/20080411021943/http://w... http://www.taleofgenji.org/ http://webworld.unesco.org/genji/en/about.shtml http://webworld.unesco.org/genji/en/index.shtml http://webworld.unesco.org/genji/en/part_2/34-128.... https://www.imdb.com/title/tt0043580/